Tranh cãi về kỷ lục thế giới bán marathon của Kiplimo

01/04/2025
|
0 lượt xem
Tin Tức
Tranh cãi về kỷ lục thế giới bán marathon của Kiplimo

Trên diễn đàn Letsrun, bài đăng bày tỏ nghi vấn Kiplimo núp gió xe dẫn tốc thu hút nhiều câu trả lời. Một số người đã xem lại video cuộc đua và phân tích xem liệu chân chạy Uganda có cố tình duy trì khoảng cách với xe hơi để tận dụng lợi thế khí động học hay không.

"Kiplimo đã chạy khá gần xe. Ngoài ra, xe còn có một chiếc đồng hồ lớn phía trên và một người ngồi trên nóc. Những điểm này rất có lợi cho Kiplimo. Anh ấy đã chạy tốt nhưng chắc chắn được hưởng lợi thế", tài khoản Aerohead nhận xét.

Kiplimo chạy phía sau xe dẫn tốc có đồng hồ cỡ lớn và người ngồi trên nóc. Ảnh: eDreams Mitja Marato 2025

Một số khác nhắc lại lần Eliud Kipchoge chạy full marathon dưới 2 tiếng ở sự kiện INEOS 1:59 Challenge năm 2019. Khi ấy, huyền thoại người Kenya được một chiếc xe SUV điện dẫn tốc, duy trì khoảng cách từ 6 đến 8 m để làm cản lực gió. Chiếc xe này còn phóng một vạch laser xuống đường, giúp đội pacer giữ đội hình chuẩn mũi tên để giúp cản lực gió hơn nữa. Nhờ đó, Kipchoge trở thành người đầu tiên chạy marathon dưới 2 tiếng.

Thành tích này không được Liên đoàn điền kinh thế giới (WA) công nhận. Vì thế, cho đến nay chưa VĐV nào đạt sub2 marathon. Kelvin Kiptum tới gần mốc này nhất, đạt thông số 2 giờ 0 phút 35 giây tại Chicago Marathon 2023. Tuy nhiên, anh đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông gần thị trấn Kaptagat, Kenya ngày 11/2/2024.

Tuy nhiên, cũng có không ít người phản đối. "Rõ ràng, không phải lỗi của Kiplimo trừ khi anh ấy hối lộ ban tổ chức", tài khoản 23415 bình luận. "Việc duy trì khoảng cách đủ xa với VĐV là trách nhiệm của bên dẫn tốc và xe hơi dư sức chạy nhanh để làm điều đó. Đây không phải việc của VĐV".

Một người khác cho rằng: "Ở một khoảng cách nhất định phía sau xe hơi, VĐV sẽ gặp nhiễu loạn nhiều hơn là được lợi thế. Xa hơn thì bạn không được cản gió chút nào. Nên bạn phải chạy khá gần xe để núp được gió".

Kipchoge được nhóm pacer duy trì đội hình theo hình chữ V để cản lực gió cho anh tại sự kiện INEOS 1:59 Challenge 2019. Ảnh: AFP

Có ý kiến cho rằng WA có thể can thiệp để không công nhận kỷ lục của Kiplimo. Nhưng nhiều chi tiết cho thấy chân chạy Uganda không hưởng nhiều lợi thế về khí động học như nghi vấn. Dù chạy sau xe trong phần lớn thời gian, khoảng cách giữa Kiplimo và xe dẫn tốc không được duy trì. Vị trí của anh cũng thay đổi liên tục chứ không được giữ cố định nhờ đèn laser hay một chỉ dấu nào khác.

Năm 2017, các nhà khoa học từng thực hiện một nghiên cứu mô phỏng để xác định mức độ hỗ trợ khí động học mà Kipchoge nhận được từ xe dẫn đường và nhóm pacers trong dự án Breaking2 của Nike cùng năm. Họ tạo ra bốn kịch bản: Kipchoge chạy một mình, chạy sau xe dẫn đường, chạy sau nhóm pacer và chạy sau cả xe lẫn nhóm pacer.

Kết quả cho thấy, khi chạy sau nhóm pacer, lực cản gió Kipchoge đối mặt giảm khoảng 83% so với khi chạy một mình, giúp anh nhanh hơn khoảng 4 phút 9 giây trên quãng đường marathon. Trong khi đó, xe dẫn đường chỉ giúp nhanh hơn 26 giây và công dụng chủ yếu là chiếu đèn để đội pacer duy trì phom đội hình chuẩn. Điều đó cho thấy so với xe dẫn tốc, chạy sau pacer giúp cản lực gió hơn nhiều.

Kết quả mô phỏng khí động học của thử thách breaking2 năm 2017 theo bốn kịch bản. Màu xanh dương càng đậm cho thấy mức độ cản gió càng lớn. Ảnh: Siemens PLM

Tranh cãi về kỷ lục của Kiplimo vẫn tiếp diễn, và chưa cơ quan có thẩm quyền nào lên tiếng về vấn đề này. Tuy nhiên, do lỗi không thuộc về chân chạy Uganda, gần như không có khả năng anh sẽ bị hủy kết quả.

Quang Huy

Tin liên quan
Tin Nổi bật